VPF dự tính, mùa bóng 2016 sẽ thu về trên 130 tỷ đồng, gần gấp đôi so với con số 75 tỷ đồng ở mùa giải 2015, trong đó riêng khoản tiền hỗ trợ cho các đội bóng sẽ được nâng lên tới 22,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, VPF chỉ tính đủ chứ chưa chắc đã đúng khi phải bỏ ra 30 tỷ đồng để mua sóng quảng cáo trên truyền hình…
4 năm trước, khi giành lại được quyền thương thảo, bán bản quyền truyền hình từ VFF, không ít người kỳ vọng sẽ tạo được nguồn thu lớn cho V-League mà theo tính toán của VPF, có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi mùa bóng. Cách làm của VPF mới nghe có vẻ hoành tráng khi chủ động bỏ tiền ra mua sóng quảng cáo trên truyền hình để bán lại cho các doanh nghiệp, nhà tài trợ. Thế nhưng, viễn cảnh “tiền vào như nước” hợp đồng ký mỏi tay cũng nhanh chóng tan biến khi Hội đồng bảo trợ bóng đá chỉ tồn tại trên giấy và đến giờ chẳng còn ai nhắc tới.
Nguồn thu từ bóng đá như hứa hẹn ban đầu khi thành lập công ty VPF thoạt nghe có vẻ rất khả thi, nhưng thực tế lại là “đầu voi, đuôi chuột” chỉ có năm đầu hoàn thành được chỉ tiêu và càng về sau càng sa sút thảm hại. Thậm chí, mùa bóng 2013 trong bối cảnh V-League rơi vào khủng hoảng, lợi nhuận của VPF teo tóp chỉ vỏn vẹn 1,5 tỷ đồng. Năm ngoái, VPF đặt chỉ tiêu doanh thu trên 100 tỷ đồng, nhưng cuối mùa báo cáo chỉ đạt 75 tỷ đồng. Bởi thế nên ngay cả khi VPF thay Tổng giám đốc mới, được coi là người có kinh nghiệm kiếm tiền thì để nâng nguồn thu lên con số trên 131 tỷ đồng, gần gấp đôi mùa trước cũng chẳng phải là chuyện ngày một ngày hai.
Sở dĩ, VPF tự tin đặt chỉ tiêu doanh thu “khủng” ở mùa bóng 2016 hẳn phải có lý do. Chẳng hạn như tiền bán bản quyền truyền hình, dự tính sẽ thu về khoảng 30 tỷ đồng, nhưng chi phí phải bỏ ra mua sóng quảng cáo cho các nhà tài trợ cũng đã bằng con số đó nên thực ra VPF chẳng thu được gì. Thế nên dù có doanh thu khủng, nhưng các CLB và cả cổ đông chớ vội mừng khi chưa nhìn thấy “tiền tươi thóc thật”.
Thực tế, VPF cũng phải vất vả “chạy tài trợ” từng mùa chẳng khác gì các CLB. Thậm chí có thời điểm, VPF phải nhờ tới mối quan hệ gần gũi của chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng mới được đối tác Eximbank gia hạn hợp đồng tài trợ. Mùa trước, hãng Toyota bỏ ra 30 tỷ đồng để trở thành đối tác tài trợ chính cho V-League và mùa này có thể sẽ tăng lên nhưng chắc chỉ trên dưới 40 tỷ, còn lâu mới đạt được con số 8 triệu USD (gần 200 tỷ đồng) như Thai League đang có. Cộng thêm các khoản thu khác từ tiền lệ phí tham dự giải, tiền nộp phạt hay khai thác quảng cáo trên sân…cũng chỉ quanh quẩn ở mức vài chục tỷ đồng.
Có thể VPF hy vọng vào khả năng thu hút tài trợ của tân Tổng giám đốc, Cao Văn Chóng từng rất thành công trong vai trò giám đốc điều hành CLB B. Bình Dương sẽ tạo ra được bước đột phá lớn về doanh thu cho V-League. Dù ai cũng biết, vấn đề cốt tử lại nằm ở chính ở chất lượng và hình ảnh của V-League nếu không được cải thiện khó có thể thu hút được nhà tài trợ.
Nguồn: Đan Phượng - Báo Thể thao Việt Nam
Đăng lúc: 8:02 08/11/2015