(BongDa.com.vn) – Mặc dù không thu hút được nhiều khán giả đến sân xem các trận đấu tại Giải bóng đá nữ quốc tế TP.HCM, nhưng với số ít cổ động viên trên khán đài cũng đủ tạo nên sự đặc biệt cho từng đội bóng dự giải. Cái riêng của họ được thể hiện theo những cách khác nhau.
Đội U14 Quận 1 ngồi cùng gia đình và người thân các cầu thủ nữ của CLB TP.HCM. Ảnh: Quang Thịnh.
Có thể nói rằng Giải bóng đá nữ quốc tế TP.HCM 2015 đã không thành công về mặt quảng bá, truyền thông khi không thu hút được nhiều chứ chưa nói là đông khán giả đến sân theo dõi đội nữ của thành phố thi đấu. Điều này có thể lý giải vì BTC đã phải tập trung nhiều cho khâu chuyên môn (kinh phí, khách mời, tài trợ) trong khi quỹ thời gian hạn hẹp giữa hai giải đấu U21.
Dù vậy, với các đội bóng tham dự thì có thể nói là một giải đấu thành công khi mục tiêu thi đấu cọ xát, tích lũy kinh nghiệm đều đạt được. Trên khán đài không có nhiều cổ động viên nhưng số ít cũng đủ tạo nên những điểm nhấn thú vị ở một giải bóng đá nữ. Hãy cùng điểm mặt tinh thần cổ vũ của họ:
HLV Lưu Ngọc Mai và 100 cầu thủ nhí của đội chủ nhà
Mỗi khi có trận đấu giữa chủ nhà TP.HCM là y như rằng có sự góp mặt của nhóm nhỏ các em nhỏ mặc trang phục xanh lá cây, ngồi chếch ở góc khán đài A3 cổ vũ rất nhiệt tình cho các chị em. Hỏi ra mới biết đây là “quân” từ CLB bóng đá nữ Quận 1 do cựu cầu thủ Lưu Ngọc Mai huấn luyện. Các em đều được xe chở đến sân để vừa theo dõi và động viên thần tượng của mình thi đấu.
CĐV chủ nhà hồi hộp theo từng cơ hội mà đội mình tạo ra trong “trận chung kết”. Ảnh: Quang Thịnh.
Đội cổ động của CLB TP.HCM luôn có khoảng 100 người mỗi trận, trong đó còn có gia đình và người thân các nữ cầu thủ đến để theo dõi con, em mình thi đấu. Đây là lực lượng CĐV mạnh nhất ở giải đấu này khi họ liên tục hô vang các khẩu hiệu khích lệ tinh thần đội nhà. Hết trận, các em lại xuống giao lưu, chụp hình cùng các chị trong đội tuyển. Đây cũng có thể xem là một phần sức mạnh của đội TP.HCM.
Những chàng trai Myanmar đến từ Bình Dương
Hơi lép vế về số lượng so với CĐV của chủ nhà, nhưng với sự nhiệt tình của mình, những chàng trai Myanmar cũng chứng tỏ lòng yêu nước và yêu bóng đá nữ của mình không hề thua kém. Vượt đoạn đường khá xa từ Bình Dương qua sân Thống Nhất (Quận 10, TPHCM), họ không bỏ sót một trận nào của ĐT Nữ Myanmar và lúc nào lá cờ tổ quốc cũng tung bay sau trận đấu.
Quý mến tình cảm của các chàng trai, đích thân HLV trưởng của đội Myanmar Myat Myat Oo đã đề xuất ban tổ chức cấp vé VIP dành cho họ. Bà không muốn họ cất công đến sân lại mất thêm tiền mua vé. Đáp lại việc này, BTC cũng ưu tiên cho những chàng trai Myanmar vào sân mà khỏi cần vé, ngồi ngay sát khu vực kỹ thuật của đội bóng quê nhà. Tiếc là các cô gái Myanmar đã không thể thắng đội chủ nhà trong trận đấu quyết định.
Những chàng trai Myanmar đến từ Bình Dương luôn túc trực trên khán đài cùng quốc kỳ. Ảnh: Quang Thịnh.
Chú Hồ Dịu Sáng – cổ động viên duy nhất của ĐT Hong Kong
Người đàn ông đặc biệt này chắc chắn ai cũng phải nhớ nếu từng đến sân coi các trận đấu của giải. Chú Hồ Dịu Sáng là người gốc Hong Kong (TQ) đang sinh sống tại thành phố HCM. Hay tin có đội bóng quê hương của thân phụ qua thi đấu giao hữu, chú đã bỏ hết việc để theo dõi toàn bộ các trận đấu của giải và đặc biệt là kiêm thêm nhiệm vu “chỉ đạo từ xa” cho các nữ cầu thủ Hong Kong (TQ).
Mỗi khi đội Hong Kong (TQ) gặp khó khăn là khán giả lại nghe những chỉ đạo chiến thuật phát ra từ khu vực… khán đài. Liên tục hô vang “Hong Kong”, chú Dịu Sáng còn làm thay nhiệm vụ của HLV như hô “Dâng cao lên”, “Áp sát vào” bằng tiếng Quảng Đông. Điều này không làm đội Hong Kong cảm thấy khó chịu mà ngược lại họ càng quý mến cổ động viên đặc biệt và duy nhất này hơn.
Chú Hồ Dịu Sáng (áo nâu, phải) được các nữ cầu thủ Hong Kong (TQ) vây quanh. Ảnh: Quang Thịnh.
Quá ấn tượng và càng trở nên thân thiết với ông nên HLV Chan Shuk Chi đã tặng chiếc áo huấn luyện của mình cho chú Hồ Dịu Sáng. Sau khi Hong Kong (TQ) đoạt giải ba, các nữ cầu thủ đã lên khán đài nói chuyện và chụp hình kỷ niệm với CĐV đặc biệt của mình. Thi đấu xa nhà mà được động viên như vậy khiến một số tuyển thủ rất xúc động.
Điều đáng tiếc là CLB FEU đến từ Philippines gần như không có một cổ động viên nào. Dù vậy, khán giả thành phố vẫn dành những tràng pháo tay sau mỗi trận mà những cô gái này thể hiện. Họ lễ phép đến chào và bắt tay ban huấn luyện đội bạn. Chỉ dừng ở mức CLB trường đại học nên thực lực của FEU được xem là yếu nhất giải.
Nếu Giải bóng đá nữ quốc tế TP.HCM trở thành một giải đấu truyền thống hàng năm thì đây sẽ là một bước phát triển mới dành bóng đá nữ Việt Nam nói chung và bóng đá nữ thành phố nói riêng. Vậy, bên cạnh khâu chuyên môn, ban tổ chức cần đầu tư hơn nữa vào việc quảng bá hình ảnh giải đấu nhằm kéo khán giả đến sân để tăng tinh thần cho các cầu thủ. Hi vọng trong tương lai, khán đài các giải nữ sẽ có nhiều cổ động viên hơn.
Nguồn: Quang Thịnh - Thể thao Việt Nam
Đăng lúc: 13:19 09/11/2015