Để chuẩn bị cho Vòng chung kết U23 châu Á tại Qatar vào tháng 1/2016, VFF và HLV Tohisya Miura đã thống nhất “quân xanh” cho U23 Việt Nam: một đội bóng nghiệp dư (JFL Selection) đến từ Nhật Bản.
Chuyện trong ngày: Đội bóng nghiệp dư Nhật Bản và thể diện quốc gia
“Nghiệp dư” là cách gọi của dư luận, còn VFF cho rằng đấy là một đội bóng “bán chuyên nghiệp”. JFL Selection không có chút danh tiếng tại đất nước mặt trời mọc, thử gõ từ khóa “JFL Selection” trên công cụ tìm kiếm Google cũng chẳng có mấy thông tin. Dù vậy, Tổng thư ký Lê Hoài Anh vẫn “quảng cáo”:
“Đây là một câu lạc bộ mạnh ở Nhật. Với trình độ hàng đầu châu lục của bóng đá Nhật Bản, tuy gọi là bán chuyên nhưng vẫn có chất lượng cao.”
Được biết, chính HLV Miura là người giới thiệu JFL Selection cho VFF. JFL Selection đã từng thi đấu với các đội bóng Đông Nam Á, cụ thể họ thắng Lào 3-0, thắng U23 Myanmar 3-0 và cầm hòa Campuchia 2-2. Với những kết quả như vậy, không hiểu sao ông Miura lại đánh giá cao đội bóng này và chọn họ làm đối thủ của U23 Việt Nam. Điều đáng nói, cả hai trận đấu giữa U23 Việt Nam và JFL Selection đều diễn ra tại Mỹ Đình nhưng lại theo hình thức đá tập không khán giả.
Việc để
một cấp độ đội tuyển quốc gia thi đấu với đội bóng nghiệp dư Nhật Bản ngay trên sân vận động quốc gia là một hành động khó hiểu của VFF. Nhiều người cho rằng VFF đang tự hạ thấp uy tín của mình nhằm “chiều lòng” HLV người Nhật. Một trận đấu giữa hai đội bóng có “thân phận” khác biệt nhau như vậy sẽ ảnh hưởng không chỉ đến thể diện VFF mà còn cả thể diện của bóng đá Việt Nam.
Nếu xét về chuyên môn, lựa chọn JFL Selection có vẻ cũng không hợp lý. Tại Giải U23 châu Á, U23 Việt Nam nằm cùng bảng với Australia, Jordan và UAE. Trong khi Australia chơi bóng theo trường phái châu Âu thì Jordan và UAE mang đậm đặc trưng Tây Á. Theo lẽ thường, chúng ta cần tìm những đối thủ có phong cách tương tự để cọ xát và rút tỉa ra phương án hợp lý. Đằng này, JFL Selection là một đội bóng Nhật Bản với lối chơi hoàn toàn khác biệt.
U23 Việt Nam thua U23 Nhật Bản 0-2 tại Vòng loại U23 châu Á. Ảnh: Internet.
Hơn nữa, trong thời gian U23 Việt Nam chuẩn bị cho giải châu Á thì nhiều đội bóng V-League cũng đã hội quân. Nếu VFF chỉ nhắm đến mục đích đá tập thì các CLB phía Bắc như Hà Nội T&T, Than Quảng Ninh,… với đầy đủ ngoại binh và chơi đúng sức hoàn toàn có thể trở thành “quân xanh” chất lượng cho U23 Việt Nam. Như thế, việc mời một đội bóng từ Nhật Bản xa xôi là không cần thiết.
Tóm lại, có quá nhiều lí do để phản biện lựa chọn đội bóng nghiệp dư của VFF. Sẽ là hơi quá nếu nói VFF đánh mất “thể diện quốc gia” khi để U23 Việt Nam thi đấu với JFL Selection. Nhưng một khi trận đấu diễn ra, truyền thông trong nước và thế giới sẽ đưa hình quốc kỳ Việt Nam bên cạnh logo một CLB vô danh của Nhật. Mà quốc kỳ Việt Nam, đâu phải để dùng tùy tiện thế này!
Nguồn: Hữu Thời - Thể thao Việt Nam