Giám đốc kênh thể thao VTC3 Vũ Quang Huy cho rằng chừng nào Việt Nam mua bản quyền giải NH Anh với giá hợp lý mới tìm được giải pháp khả thi để phục vụ nhu cầu của người hâm mộ.
Người dân Singapore rất hâm mộ giải NH Anh và quốc gia này chỉ có 2 đơn vị khai thác dịch vụ truyền hình trả tiền. Ảnh: Internet.
Thời hạn bỏ thầu bản quyền truyền hình (BQTH) giải Ngoại hạng Anh 3 mùa 2016 – 2019 đối với các đài truyền hình, đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền ở Việt Nam đã qua, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể. Bộ Thông tin – Truyền thông (Bộ TTTT) đã có công văn yêu cầu các nhà đài không được mua BQTH bằng mọi giá, không chấp nhận độc quyền, tránh tình trạng lãng phí nhưng theo ông Vũ Quang Huy điều này chưa đủ.
“Vòng đấu thầu này, tôi nghĩ một đơn vị nước ngoài sẽ trúng thầu như MP & Silva cách đây vài năm. Tôi nghĩ Bộ TTTT nên có quy định yêu cầu đơn vị nào muốn bán bản quyền trên lãnh thổ Việt Nam phải gặp Ban điều hành do Bộ đứng đầu để thương lượng chứ các đài không được tự ý mua thì khi đó giá BQTH giải NH Anh có thể giảm xuống. Lần trước VTV đã làm không tốt vai trò trưởng Ban điều hành nên lần này phải thay đổi,” ông Vũ Quang Huy cho biết.
Năm 2013, Bộ TTTT đã chỉ đạo VTV đứng đầu Ban điều hành đàm phán mua BQTH nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên và phục vụ người hâm mộ nhưng họ đã không hoàn thành nhiệm vụ. K+ thông qua công ty mẹ của mình là Canal+ đã đứng ra mua hộ BQTH 3 mùa giải từ 2013 – 2016 từ đối tác IMG (Mỹ) với mức 35 triệu USD, cao hơn nhiều so với giai đoạn 2010 – 2013 (13 triệu USD). Do K+ chủ trương khai thác độc quyền nên số đông người hâm mộ không thể xem trọn vẹn giải NH Anh. Theo thống kê của Bộ TTTT, số lượng thuê bao của họ chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số 9,9 triệu thuê bao truyền hình trả tiền tại Việt Nam (tính đến hết tháng 6/2015).
Ông Vũ Quang Huy cho rằng với đặc thù của Việt Nam rất khó học tập theo các nước khác trong việc khai thác BQTH để phục vụ tốt nhất cho NHM. Ở Singapore, chính phủ ban hành luật phát sóng chéo nội dung đối với các hãng truyền hình trả tiền vào năm 2013, để hạn chế độc quyền. Theo đó, các thuê bao của hãng truyền hình A có thể đăng ký một gói/kênh/nội dung nào đó của hãng B và hãng B phải cho phép. Dĩ nhiên, các thuê bao này vẫn phải trả tiền cho hãng B.
Với chủ trương khai thác độc quyền như các nhà đài Việt Nam áp dụng thời gian qua, rất khó để đông đảo NHM Việt Nam xem được giải đấu trọn vẹn. Ảnh: Internet.
“Singapore là quốc gia có diện tích nhỏ, dân cư tập trung và chỉ có hai nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền là StarHub và Singtel nên họ mới có thể áp dụng điều này. Còn Việt Nam có nhiều đài truyền hình, đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền, hạ tầng kỹ thuật khác nhau nên làm điều này rất khó. Tôi nghĩ trong bối cảnh hiện nay, việc để Bộ TTTT thương lượng để hạ giá BQTH xuống là hợp lý nhất,” bình luận viên bóng đá nổi tiếng này cho biết.
Trong khi đó, ông Lê Đình Cường – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam cũng cho rằng điều này không khả thi:
“Cái khó trong việc này là các doanh nghiệp Việt Nam có phối hợp nhau như thế không, có sẵn sàng đồng thuận, cùng nhận ra lợi ích chung hay không? Cái này rất khó, đặc biệt giữa một đơn vị có số lượng thuê bao nhiều và một đơn vị có số lượng thuê bao ít. Theo tôi biết ở Việt Nam mới chỉ có một số đơn vị có lượng thuê bao dưới 30.000 đến 40.000 người mới áp dụng cách này.”
Nguồn: Nguyễn Đăng - Zing.vn